Hoạt động Hội

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”.

25/11/2024 14:35

Hôm nay 24/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”.

Diễn đàn có chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn". Đây là lần đầu tiên đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì, cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn còn có các đồng chí Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương; đại diện các cục, vụ, viện, trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các Ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, các cán bộ Hội Nông dân các cấp; các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đất đai...

Đặc biệt, Diễn đàn sẽ có sự tham dự trực tiếp của hơn 200 nông dân tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong suốt thời gian diễn ra, chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp (livestream) trên Báo điện tử Dân Việt, Báo Tài nguyên và Môi trường, trên các nền tảng số (Fanpage, Youtube, TikTok của Báo điện tử Dân Việt). Diễn đàn cũng sẽ được kết nối đến hơn 10.000 điểm cầu là Hội Nông dân các cấp tỉnh, huyện, xã cả nước nhằm tuyên truyền, lan tỏa tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân cả nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành hiệu quả, linh hoạt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; cả về mặt khách quan và chủ quan như: tính phức tạp trong quản lý, sử dụng đất đai; về tích tụ, tập trung đất đai; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức; về bảo vệ môi trường nông thôn nhất là trong sản xuất nông nghiệp, về rác thải sinh hoạt, làng nghề khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ... Với chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn", Diễn đàn lần này là dịp để chúng tôi được lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… phản ánh, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua; việc quản lý, điều hành, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, về các giải pháp hướng tới mục tiêu NetZero. Diễn đàn cũng là tiền đề để lắng nghe, tổng hợp ý kiến của bà con nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân năm 2024.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân. Khơi thông nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, ước tính lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn CO2/năm, đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực chung tay cùng bà con nông dân kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050.

 

Theo Ban Tổ chức, tính đến thời điểm này, thông qua các kênh khác nhau như các cấp Hội Nông dân cả nước gửi về, ý kiến bạn đọc qua chuyên mục Lắng nghe nông dân trên Báo điện tử Dân Việt, đã có trên 1.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất, nguyện vọng được gửi đến hai đồng chí lãnh đạo, nhằm giải đáp các thắc mắc về một số vấn đề lớn, đó là: Các vấn đề về đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 với các nội dung về: Cơ chế, chính sách về thi hành Luật Đất đai, cơ chế, chính sách về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát huy, khơi thông nguồn lực từ đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Các vấn đề về cơ chế chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ carbon như về: Cơ chế, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng dự báo khí tượng, thủy văn, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo đời sống, sản xuất cho người nông dân; Phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện mục tiêu thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 (NetZero), nông dân tham gia sản xuất hấp thụ carbon thấp.

Các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn như: Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, môi trường làng nghề; cung cấp nước sạch và xử lý nước thải ở nông thôn. Thực tiễn trong quá trình thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; cơ chế, chính sách trong thực thi về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản ở nông thôn.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp thành lập các tổ nhóm, CLB nông dân tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương, Hội Nông dân cơ sở hoạt động rất hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường nông thôn sáng xanh sạch đẹp, làm nên những miền quê nông thôn đáng sống. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp, trong đó hướng mạnh tới đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở, các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xuất sắc, các HTX làm những hạt nhân, nòng cốt tham gia các hoạt động, mô hình bảo vệ môi trường ở nông thôn.

“Đối với thị trấn sông Cầu, chúng tôi hiện nay có rất ít các cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân thị trấn phát triển nông nghiệp. Chúng tôi rất mong muốn lãnh đạo 2 ngành có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thị trấn Sông Cầu phát triển nông nghiệp, cũng như đẩy mạnh xây dựng thương hiệu chè cho bà con nông dân thị trấn Sông Cầu chúng tôi”- Bà Vũ Thị Thương Huyền – Giám đốc HTX chè Thịnh An, ở huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên bày tỏ. Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, Hội Nông dân Việt Nam đang triển khai App Nông dân Việt Nam với trên 3 triệu hội viên nông dân cài đặt để lắng nghe trực tiếp những ý kiến của nông dân từ cơ sở về các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi rất mong chị Huyền – Giám đốc HTX chè Thịnh An ở thị trấn Sông Cầu, Thái Nguyên sẽ phối hợp cùng với Hội Nông dân Việt Nam chúng tôi trong thời gian tới. Về sự phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có lịch sử phối hợp từ nhiều năm nay với nhiều hoạt động thiết thực cụ thể. Diễn đàn Lắng nghe nông dân lần này giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường là sự đổi mới trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền giữa 2 tổ chức.

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) bày tỏ: Dự án đường vành đai 4 có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn, song thực tế việc thu hồi mặt bằng cho dự án rất nhanh. Có được điều này là nhờ sự vào cuộc của các lãnh đạo địa phương và các cấp Hội Nông dân và cả hệ thống chính trị đã tạo nên sự đồng thuận lớn, ủng hộ cao của bà con nông dân trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Theo Chủ tịch Lương Quốc Đoàn, về vấn đề tuyên truyền cho hội viên nông dân thực hiện tốt nội dung chuyển đổi xanh có rất nhiều nội dung, đây cũng là 1 trong những cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26. Đây là nội dung không hề dễ, làm sao chúng ta tuyên truyền để người nông dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chuyển đổi sản xuất kinh doanh nông nghiệp hướng tới chuyển đổi xanh. Ngoài đổi mới công tác tuyên truyền, Hội Nông dân Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường  xây dựng các mô hình cụ thể. Đặc biệt, Hội Nông dân Việt Nam đã tranh thủ sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức quốc tế thực hiện xây dựng các mô hình hiệu quả, trong có có Dự án tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường. Hội Nông dân đã thực hiện hiệu quả Dự án áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường ở 26 tỉnh, thành. Điển hình như ở tỉnh Bắc Giang mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường đã nhân rộng với hơn 70.000 nông dân tham gia với diện tích hơn 7.100ha.

Kết nối trực tuyến tới Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dẫn, hội viên, nông dân ở quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) đặt câu hỏi: Hiện nay, nhu cầu khai thác tài nguyên cát phục vụ các công trình hạ tầng giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Tuy nhiên, việc khai thác cát bừa bãi sẽ khiến dòng chảy thay đổi, gây ra sạt lở. Chúng tôi xin kiến nghị ngành chức năng tăng cường việc quản lý, khai thác tài nguyên cát ở đồng bằng sông Cửu Long để vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển các công trình giao thông vừa đảm bảo môi trường sinh thái vùng đồng bằng.

Trả lời Nông dân Nguyễn Văn Dẫn – hội viên nông dân ở quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đỗ Đức Duy hoàn toàn đồng tình với vấn đề đại biểu nêu ra, thực tế cho thấy, trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì chỉ có 09 tỉnh có nguồn cát sông (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Tp. Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng), trong đó chỉ có 02 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp) có nguồn cát sông đạt chất lượng làm cát xây dựng và đắp nền cho cao tốc, còn lại 07 tỉnh thuộc hạ nguồn Sông Tiền và Sông Hậu (Tiền Giang, Tp. Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng), thì cát lẫn bùn và mùn thực vật chiếm tỷ lệ cao, dẫn đến khối lượng cát đạt tiêu chuẩn làm vật liệu đắp nền, nhất là cho đường cao tốc rất ít.

Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình thấp, nền đất yếu, là khu vực chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dẫn đến khả năng chịu đựng của các công trình trên mặt đất tại khu vực này có giới hạn thấp, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, đường cao tốc, việc khai thác cát bừa bãi sẽ khiến dòng chảy thay đổi, gây ra sạt lở như đại biểu đã nêu. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, cụ thể hóa các chính sách trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản cát sỏi lòng sông bao trùm từ công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tập kết và sử dụng cát sỏi lòng sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý, khai thác cát sỏi lòng sông.

Hiện nay, Bộ đang tiến hành thực hiện Dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long". Dự án kết thúc đi vào khai thác sẽ khắc phục tình trạng khan hiếm cát san lấp, cát xây dựng như phản ánh của cử tri. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tài nguyên và Môi trường cũng giao đơn vị chuyên môn tiến hành xây dựng Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội…

Ông Nguyễn Quốc Huy - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc thông tin hiện nay HTX Nấm Tam Đảo đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm tại một số tỉnh vùng núi như Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng. Dâu là cây lấy lá nhưng luôn được duy trì tối thiểu 5 lá ở thời điểm cuối vụ, do vậy trên bề mặt luôn giữ được mặt bằng phủ xanh. Đồng thời trong toàn bộ quá trình trồng dâu nuôi tằm rất hạn chế sử dụng phân bón hoá học có chứa đạm vô cơ. Vậy tôi xin hỏi với các diện tích trồng dâu theo vùng lớn có thể được đo đếm và cấp chứng nhận tín chỉ carbon không.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Huy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đỗ Đức Duy nhận định: Phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm và hướng đến được cấp và bán tín chỉ carbon" rất hay. Theo Bộ trưởng, hiện nay nhu cầu phát triển trồng dâu nuôi tằm lớn, không chỉ trong nước và ngoài nước. Nhất là tại các địa phương vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc... đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế rất cao, theo ước tính có thể thu nhập từ 250 triệu đến 300 triệu đồng/ha/ năm. Cây trồng này có thể phát triển được trên đất đồi, đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân rất tốt.

Diễn đàn được tổ chức tại thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã trân trọng cảm ơn đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức và đồng chủ trì Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng này. Diễn đàn đã lắng nghe, trao đổi và thảo luận với hơn 20 nhóm câu hỏi, ý kiến phản ánh với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm cao của cán bộ hội nông dân, các hội viên nông dân xuất sắc, các Hợp tác xã tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp... Các nội dung thảo luận tại Diễn đàn là sự chuẩn bị về nội dung quan trọng trước thềm Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân năm 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới đây.

Với tinh thần đó, tôi đề nghị các đơn vị trực thuộc của hai cơ quan và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tổng hợp, giải đáp, hướng dẫn kịp thời các câu hỏi, ý kiến chưa được trực tiếp trả lời tại Diễn đàn; đồng thời phối hợp, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ. Theo đó, Bộ trưởng cũng đề ra 6 giải pháp trọng tâm: Một là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp hội nông dân, hợp tác xã tích cực quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của toàn xã hội nói chung và hội viên nông dân cả nước nói riêng về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai.

Hai là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, các nguy cơ suy giảm, cạn kiệt tài nguyên và đa dạng sinh học.

Bốn là, thường xuyên cập nhật, hướng dẫn người dân, cộng đồng các kế hoạch, phương án phòng ngừa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, địa bàn trung du, miền núi.

Năm là, tối ưu hóa việc đưa các diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng trong thực tế; kiểm soát chặt hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, ven biển.

Sáu là, tập trung nguồn lực giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường nông thôn, đặc biệt là xử lý nước thải làng nghề; cải tạo, phục hồi môi trường các lưu vực sông, hồ chứa, công trình thủy lợi bị ô nhiễm; thực hiện hiệu quả việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu chất thải nhựa; tái chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ trong canh tác và phát triển kinh tế nông nghiệp; bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển.

Nguồn: hoinongdan.org.vn