Hiệu quả mô hình trồng na
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân ở huyện Châu Thành mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, đưa giống cây, con mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong đó, mô hình trồng na (na Thái) của nông dân Nguyễn Ngọc Châu (ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hanh) mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng (giữa) và Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Phước Dũng (bìa phải) tham quan, tìm hiểu sản phẩm na của nông dân Nguyễn Ngọc Châu.
Trước biến động của thị trường, nhận thấy sản xuất lúa bấp bênh do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, ông Châu luôn trăn trở tìm hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế ổn định trên nền đất trồng lúa. Bên cạnh tìm tòi, học hỏi trên báo chí, Internet, ông còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, do ngành nông nghiệp và Hội Nông dân tổ chức. Sau nhiều lần tham quan mô hình trồng cây ăn trái, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, nhận thấy cây na có những đặc tính phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết địa phương, ông Châu quyết định chuyển đổi 2ha đất đang canh tác lúa sang trồng na, với 450 gốc na giống.
Dù đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, nhưng khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, ông Châu gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc, xử lý sâu bệnh. Dám nghĩ, dám làm, cùng sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành nông nghiệp và Hội Nông dân, ông từng bước làm chủ kỹ thuật chăm sóc để cây na phát triển tốt.
Theo ông Châu, gọi là na Thái là do loại trái này có nguồn gốc từ Thái Lan, hay còn gọi là mãng cầu dai. Cây na Thái trồng hơn 2 năm tuổi thì bắt đầu ra hoa, cho trái. Đây là loại cây trồng chịu được hạn nhưng không chịu úng, kháng sâu bệnh tốt hơn các giống na địa phương. Ưu điểm na Thái là có trọng lượng trái lớn hơn gấp đôi trái na địa phương, có trái nặng hơn 1kg. Trái ít hạt, vỏ mỏng, hương vị thơm ngọt đậm và mẫu mã đẹp nên thị trường rất ưa chuộng.
Ông Nguyễn Ngọc Châu chăm sóc vườn na
Sau 2 năm chăm sóc, cây na bắt đầu cho trái. Ở vụ đầu ông thu hoạch được 50 tấn với giá bán 50.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi trên 400 triệu đồng. Sau vụ đầu thu hoạch thắng lợi nhưng xuất hiện bất cập ở khâu tưới nước, tốn quá nhiều công sức. Hội Nông dân xã phối hợp Hội Nông dân huyện, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên vườn na của gia đình ông, với kinh phí trên 100 triệu đồng. Nhờ có hệ thống tưới nhỏ giọt, ông Châu tiết kiệm rất nhiều chi phí trong sản xuất.
Cây na không giống cây khác, có thể lựa chọn đậu trái vào tùy thời điểm. Công đoạn quan trọng nhất là vào mùa ra hoa. Lúc này, người trồng na phải tỉ mỉ chọn từng bông hoa thụ phấn. Đến khi na ra trái phải dùng túi ny-lon hoặc túi giấy bọc từng trái để phòng, trừ sâu bệnh, giúp phát triển đều, đẹp. “Trồng na bây giờ sử dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ nên cho trái đều, đẹp. Từ khâu thụ phấn, ra hoa rồi kết trái đều được chọn lọc, trái nào đẹp thì để lại, còn không cắt bỏ” - ông Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ.
Hiệu từ mô hình trồng na của ông Nguyễn Ngọc Châu không những mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho 10 lao động ở địa phương. Bên cạnh việc cần cù sản xuất, lợi nhuận từ việc trồng na đã giúp đời sống của gia đình ông Châu ngày một khá giả. Từ đó, gia đình ông thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện tại địa phương. Ông Châu còn là hội viên nông dân tiêu biểu trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của địa phương và thường xuyên hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nông dân.
“Truyền thống gia đình làm ruộng, mấy năm gần đây giá cả phân thuốc tăng cao, nên tôi cũng muốn tìm giải pháp để canh tác hiệu quả hơn. Lúc đầu cũng lo lắm, nhưng sau thấy cây na cũng chịu đất, chịu thời tiết, lớn nhanh, khi đó tôi mới yên tâm. Hiện giờ, vườn na của tôi cho trái 2 vụ khoảng 100 tấn, bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg, gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn” - ông Châu chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hanh Dương Thành Don cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân xã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành nông sản. Qua đó, xuất hiện nhiều gương sáng nông dân tiêu biểu; nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất - kinh doanh. Trong đó, mô hình trồng giống na Thái của ông Nguyễn Ngọc Châu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân xã tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để ông Châu phát triển mô hình. Đồng thời, vận động và hỗ trợ hội viên cùng tham quan, học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng…
Tin khác
- Tri Tôn: Giải ngân 440 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho hội viên.
- Phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể.
- Ra mắt Tổ hợp tác lúa giống ấp Bình Quới 1.
- Phú Tân khai trương cửa hàng nông sản và sản phẩm OCOP.
- Hội Nông dân huyện Phú Tân giải ngân Vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 02 dự án cho 13 hộ với tổng số tiền 410 triệu đồng.