Sản xuất lúa rải vụ, giải pháp giảm áp lực cho ĐBSCL
Theo tính toán, sản xuất rải vụ giúp tăng chất lượng lúa, rút ngắn thời gian sản xuất và thu hoạch, giá lúa tăng thêm từ 300-500 đồng/kg so với thu hoạch rộ theo trà.
Giải pháp có lợi nhiều bề
UBND tỉnh An Giang vừa giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng kế hoạch thí điểm sản xuất lúa rải vụ. Mô hình này được thực hiện trên 4 vùng sinh thái ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, Chợ Mới và Châu Phú với tổng diện tích 40 ngàn ha trên cơ sở thống nhất với Cục Bảo vệ thực vật.
Tập đoàn Lộc Trời ký chủ trương xin thí điểm thực hiện mô hình này giai đoạn 2021 - 2022 phân tích: Mô hình sản xuất lúa rải vụ gồm 3 vụ sản xuất/năm. Mỗi vụ sẽ có 100 ngày xuống giống và thu hoạch, 23 ngày làm đất và cho đất nghỉ giữa các vụ.
Mô hình trồng lúa rải vụ được Tập đoàn Lộc Trời triển khai tại An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Vụ lúa hè thu năm nay, Tập đoàn Lộc Trời triển khai thí điểm mô hình trồng lúa rải vụ tại huyện Thoại Sơn – An Giang giúp nông dân giảm giá thành đầu tư ban đầu khoảng 15%, không bị thương lái ép giá. Qua tính toán, nếu tiến hành sản xuất rải vụ trên toàn bộ diện tích sản xuất của huyện Thoại Sơn, tương đương với 36.000ha sẽ mang lại cho bà con nông dân tối thiểu 1.000 tỷ đồng/năm lợi nhuận.
Hiện nay, giá thành sản xuất lúa trung bình của ĐBSCL (tính cả giá thuê đất) khoảng 3.100 - 3.150 đồng/kg, nếu tiến hành sản xuất lúa rải vụ thì giá thành chỉ còn 2.200 – 2.600 đồng/kg, giảm 15% so với sản xuất bình thường.
Mô hình sản xuất lúa rải vụ chất lượng lúa cũng tăng lên, thời gian sản xuất lúa và thời gian cắt lúa sẽ được rút ngắn. Giá bán lúa trung bình ước tăng từ 300 - 500 đồng/kg so với thu hoạch đồng bộ. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Tuy mô hình này không mới, nhưng nó chỉ phát huy tác dụng khi diện tích sản xuất được gắn kết với người mua, đặc biệt là xuất khẩu ngay trước khi xuống giống.
Hiện nay, các nhà xuất khẩu đều mong muốn nông dân có kế hoạch sản xuất từ 3 - 6 tháng. Do đó, việc triển khai kế hoạch sản xuất rải vụ sẽ giúp người mua có được đơn hàng trước khi xuống giống, đó là sự an toàn nhất cho cả nông dân, người mua lẫn nhà xuất khẩu.
Theo ông Thuận, ngoài mô hình trồng lúa rải vụ, Lộc Trời hiện liên kết với bà con nông dân ở ĐBSCL sản xuất lúa phục vụ cho thị trường châu Âu. Hiện Lộc Trời có hơn 1.300 kỹ sư nông nghiệp (còn gọi là đội ngũ “ 3 cùng”) trực tiếp với bà con nông dân để hướng dẫn kỹ thuật trong canh tác lúa cùng hàng chục nhà máy và hơn 30 doanh nghiệp đối tác và nhiều ngân hàng đứng ra đồng hành thực hiện chương trình hợp tác sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững.
Vụ hè thu 2021, giải pháp rải vụ đã giúp giảm giá thành đầu tư ban đầu 15% và không bị thương lái ép giá. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh An Giang đã ký kết thỏa thuận hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp với Tập đoàn Lộc Trời nhằm phát triển HTX nông nghiệp, cùng với đó diện tích liên kết cánh đồng lớn sẽ được tăng lên theo hàng năm.
Trong chỉ tiêu, Tập đoàn Lộc Trời sẽ liên kết, phát triển mới 200 HTX nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025. Riêng kế hoạch trong năm 2021, đến thời điểm này đã thành lập mới được 24 HTX, gắn với vùng nguyên liệu cánh đồng lớn 50.000ha tại An Giang. Cùng với việc tham gia thành lập HTX, năm 2021, Lộc Trời đã thực hiện diện tích liên kết sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh khoảng 90.000ha, gồm 20.000ha vụ đông xuân, 50.000ha vụ hè thu và khoảng 20.000ha vụ thu đông 2021.
Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại cuộc họp vào đầu tháng 7/2021 về ý tưởng liên kết với nông dân để trồng lúa rải vụ trên địa bàn An Giang và đã được đồng thuận.
Qua đó cho thấy, ngành nông nghiệp An Giang xem mô hình trồng lúa rải vụ của Lộc Trời khá mới mẻ và độc đáo. Không dừng lại ở vài chục ngàn ha tại An Giang, rộng hơn nữa, diện tích lúa rải vụ có thể tăng lên hàng trăm ngàn ha trong vùng ĐBSCL. Hiện tại, nông dân trồng lúa rải vụ ở An Giang đang mang lại hiệu quả cao vì thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Thực hiện rải vụ không những ở cây lúa, mà còn có thể thực hiện ở nhiều mặt hàng rau, củ, quả khác. Đây chính là giải pháp làm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm chính vụ, giúp giá bán ổn định quanh năm...
Tin khác
- Triển khai khảo sát hiện trạng an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất lúa gạo tại An Giang
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.