Tháo gỡ những vướng mắc để ứng dụng công nghệ cao thực sự là điểm tựa, cú hích mạnh cho nền nông nghiệp cất cánh
Khẳng định ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là điểm tựa, cú hích mạnh cho nền nông nghiệp cất cánh, tại phiên chất vấn Tư lệnh ngành Khoa học, công nghệ, nhiều đại biểu đề nghị cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập của người làm nông nghiệp.
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm, một số doanh nghiệp
Tại các diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cho rằng, chính sách, pháp luật về ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện. Các chính sách ưu đãi liên quan đến các hoạt động công nghệ cao đã được quy định lồng ghép trong các pháp luật chuyên ngành về đầu tư, đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đặc biệt, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương về thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhiều cơ chế, chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã được ban hành. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành một số chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Quang cảnh phiên chất vấn
Việc ứng dụng công nghệ cao đã mang lại những hiệu quả vào thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong vực nông nghiệp, các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất của quá trình sản xuất nông nghiệp (từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến và bảo quản sau thu hoạch) để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, công nghệ Blockchain, phân tích dữ liệu lớn đã góp phần phát triển nền nông nghiệp chính xác của Việt Nam; nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế. Nhiều hợp tác xã đã triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 vượt rất xa giá trị đạt được năm 2020. Việc ứng dụng công nghệ cao hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động tiếp cận, nhập khẩu làm chủ các công nghệ mới, ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động, công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước quan tâm nghiên cứu, đầu tư với quy mô lớn, theo chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ mới, công nghệ nhập khẩu và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đưa ra quan điểm về vấn đề này tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Thu Hằng- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông chỉ ra rằng, kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế của nước ta. Điều này thể hiện rõ nét trong đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh bất ổn của tình hình quốc tế trong thời gian qua. Đặc biệt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là điểm tựa, cú hích mạnh cho nền nông nghiệp cất cánh, chiếm ưu thế trong cạnh tranh trên thị trường; gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập của người làm nông nghiệp; khắc phục được yếu tố tự nhiên, tiết kiệm yếu tố đầu vào, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần phát triển bền vững.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nước ta còn khiêm tốn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang đứng ở đâu so với các nước trong khu vực và thế giới trong ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp? Nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả vấn đề này?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung –Đoàn ĐBQH tỉnh Long An
Cùng quan tâm đến lĩnh vực này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung –Đoàn ĐBQH tỉnh Long An chỉ rõ, báo cáo của Bộ Khoa học và công nghệ đã đánh giá ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thể mạnh, một số doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân luôn rất cần ứng dụng công nghệ cao, những kỹ thuật mới để sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, đạt chất lượng, đạt hiệu quả.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân của vấn đề trên? Giải pháp sắp tới của Bộ trưởng như thế nào để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được phổ biến khắp ruộng vườn, nương rẫy, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân?
Tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Trả lời mối quan tâm của các đại biểu về ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên thời gian qua Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh triển khai để có giải pháp ứng dụng và có hiệu quả cho phát triển nông nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, một số kết quả ban đầu và số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có phần đóng góp của khoa học công nghệ cao. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao còn nhiều rào cản do đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, cần được quan tâm hơn. Bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng hiện nay còn thiếu công cụ phòng ngừa như bảo hiểm nông nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm. Do đo, thời gian tới, Bộ đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, các địa phương cần có trách nhiệm bảo đảm phát triển đúng mục tiêu hỗ trợ khoa học công nghệ; đồng thời Bộ sẵn sàng triển khai nhiệm vụ chương trình cấp quốc gia phát triển công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt
Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rẳng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thúc đẩy phát triển công nghệ cao, trong đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật Công nghệ cao trong giai đoạn 2022-2025. Hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về khu công nghệ cao theo hướng quy định liên quan đến mở rộng khu công nghệ cao; quy định về khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy định tạo hành lang pháp lý và nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao...
Cùng hiến kế để khắc phục những tồn tại trong thực tiễn, một số đại biểu cho rằng, cần phối hợp triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, làm chủ, chuyển giao, ứng dụng công công nghệ cao. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về các loại hình khu chức năng để có các giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trên thực tế, một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới ở giai đoạn đầu của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì không có nguồn vốn, đang chờ NSNN. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã xây dựng hầu hết mới chỉ tập trung vào sản xuất, các chức năng khác như nghiên cứu, chuyển giao, quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng nên chưa phát huy được chức năng, vai trò hạt nhân lan tỏa, phục vụ thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của vùng, khu vực. Do đó, Đối với việc phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa phương có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có trách nhiệm trong việc bảo đảm các khu phát triển đúng chức năng, nhiệm vụ, tuyệt đối tránh việc bị méo mó mô hình hoạt động.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian tới, để triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả, Bộ sẽ sửa Nghị định về khu công nghệ cao để mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó có những chính sách, cơ chế đặc thù cho lĩnh vực này. Các bộ, ngành liên quan cũng có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng nghị định, Bộ trưởng hy vọng nghị định sẽ đi vào cuộc sống, góp phần phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Cùng tham gia giải trình thêm về vấn đề ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội và nhiều địa phương quan tâm. Bộ trưởng cho biết với đặc điểm nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ thì chúng ta cần có những giải pháp đặc thù phù hợp với từng loại hình, phù hợp thực tiễn từng địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hai Bộ gồm Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sẵn sàng tạo ra thị trường, kết nối kích hoạt những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao phù hợp với năng lực, tiềm lực của chúng ta.
Tin khác
- Tập huấn kỹ thuật, quy trình cấp, giám sát và quản lý mã số vùng trồng.
- Triển khai khảo sát hiện trạng an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất lúa gạo tại An Giang
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta