Tập huấn Quy trình canh tác chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh cho nông dân.
Sáng ngày 22/08, tại ấp Phú Hậu, Hội Nông dân xã Phú Thọ phối hợp Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Tân, tổ chức Lớp tập huấn chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh cho 30 hội viên, nông dân tại địa phương.
Tại buổi tập huấn, bà con nông dân được triển khai chi tiết những nội dung trọng tâm của Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; kế hoạch quy hoạch diện tích của An Giang tham gia Đề án; giải pháp quy hoạch và tổ chức lại sản xuất; củng cố và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; hiệu quả của Đề án (hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường); quy trình canh tác bền vững: lượng giống gieo sạ từ 80-100 kg/héc-ta, giảm 20% lượng phân bón hóa học, giảm 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Đảm bảo 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP).
Bên cạnh, cần đảm bảo các bước: làm đất; quản lý nước; gieo sạ áp dụng cơ giới hóa; bón phân hợp lý và cân đối; quản lý dịch hại - sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; quản lý rơm rạ theo nguyên lý tuần hoàn.
Song song đó, bà con hội viên nông dân cũng được tập huấn, hướng dẫn về yêu cầu kỹ thuật, quy trình cấp/giám sát và quản lý mã số vùng trồng (xuất khẩu); các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Qua buổi tập huấn, giúp cho bà con nâng cao nhận thức về hiệu quả của Đề án, lợi ích của việc đảm bảo quy trình canh tác chuyên canh lúa chất lượng cao cũng như lợi thế khi được cấp mã số vùng trồng.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Phú Thọ sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân xã, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, triển khai nhân rộng diện tích tham gia vào Đề án cho nông dân xã nhà. Từ đó chung tay, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch một triệu héc-ta của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang nói chung, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và tăng thu nhập cho nông dân nói riêng./.
Tin khác
- Phối hợp tổ chức lớp tập huấn chăn nuôi Thuỷ sản.
- Hội thảo tổng kết mô hình thí điểm gắn với Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao vụ Thu Đông năm 2024.
- Phú Thọ Tập huấn Cấp Mã số vùng trồng trên cây lúa (nếp) cho nông dân
- Hội thảo về giải pháp kỹ thuật cho cây sầu riêng huyện Chợ Mới.
- Bình Thạnh Đông bế gảng lớp kỹ thuật nuôi bò.
- Hội nghị “Truyền thông nâng cao nhận thức về chính sách bảo trợ xã hội và bình đẳng giới trong ngành lúa gạo tỉnh An Giang”