Mô hình “Trồng mướp an toàn” của hội viên, nông dân Xã Châu Lăng - huyện Tri Tôn.
Thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sản xuất theo hướng hữu cơ.
Một trong những mô hình đang được triển khai và thực hiện có hiệu quả trong thời gian gần đây đó là mô hình “Trồng mướp an toàn” của hội viên, nông dân ấp Cây Me - xã Châu Lăng - huyện Tri Tôn. Mướp là loại rau dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, đầu ra đảm bảo, giá cả ổn định. Đây là nhận định của nông dân Nguyễn Văn Đưng - ấp Cây Me - xã Châu Lăng khi thực hiện mô hình.
Là hộ nông dân có tính cần cù, chịu học hỏi tìm tòi và đam mê với nghề trồng trọt, ông Nguyễn Văn Đưng cho biết, trước đây gia đình ông chủ yếu sản xuất lúa trên diện tích đất của mình. Do thời gian qua tình hình dịch bệnh trên lúa và giá lúa bấp bênh. Vốn có niềm đam mê với nghề nông, đặc biệt là trồng rau an toàn nên ở những nơi ông làm, hễ có nghe có lớp tập huấn, dạy nghề nông nghiệp là ông đều tham gia. Trong một lần đi tham quan mô hình tại huyện Châu Phú và một số nơi của tỉnh bạn, thấy địa phương có giới thiệu mô hình trồng mướp an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình cũng như tận dụng được thời gian nhàn rỗi và diện tích đất hiện có của gia đình, ông quyết định thực hiện mô hình “Trồng mướp an toàn” với diện tích 2.500 m2. Sau 45 ngày gieo trồng và chăm sóc, ông đã thu hoạch bình quân mỗi ngày từ 300kg - 400kg mướp, giá bán cho thương lái từ 7.000đ - 12.000đ/kg, ông thu được lợi nhuận trên 70 triệu đồng. Thấy hiệu quả từ mô hình “Trồng mướp an toàn”, ông dự tính sẽ mở rộng diện tích và trồng luân canh cải ngọt và cải xanh để tái tạo đất và tăng thêm thu nhập cho gia đình trong thời gian tới.
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Lăng, mô hình “Trồng mướp an toàn” nói riêng và “Trồng rau an toàn” nói chung trên địa bàn xã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định. Mô hình cũng dễ thực hiện, tận dụng được thời gian nhàn rỗi và diện tích hiện có nên giúp nông dân tăng thêm thu nhập. “Thời gian tới, địa phương sẽ tuyên truyền, vận động nông dân tham gia mô hình. Từ đó tiến tới thành lập các tổ liên kết để giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác với nhau. Đồng thời có những chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân mở rộng sản xuất. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân”./.
Tin khác
- Phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể.
- Hiệu quả mô hình trồng na
- Ra mắt Tổ hợp tác lúa giống ấp Bình Quới 1.
- Phú Tân khai trương cửa hàng nông sản và sản phẩm OCOP.
- Hội Nông dân huyện Phú Tân giải ngân Vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 02 dự án cho 13 hộ với tổng số tiền 410 triệu đồng.
- Ra mắt Chi hội nông dân nghề nghiệp Trồng Mít.