Diễn đàn Nông dân Quốc gia năm 2023: Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang chia sẻ bài học liên kết nông dân- doanh nghiệp
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết: Đến nay, Hội ND An Giang đã phối hợp vận động hơn 40 HTX và nhiều THT liên kết với trên 30 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân...
Trước thềm Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 với chủ đề Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 12/10 tới đây, PV Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Nhiên – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang về vai trò Hội Nông dân An Giang làm cầu nối giúp nông dân, Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn".
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh An Giang đã hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp xây dựng các cánh đồng lớn như thế nào thưa ông?
- Với lợi thế về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa. Hàng năm, An Giang đã đóng góp vào xuất khẩu gạo với sản lượng lớn nhất khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Việc xây dựng cánh đồng lớn là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo nói riêng và các loại cây trồng khác.
Ứng dụng cơ giới hoá trên những "cánh đồng không dấu chân" ở An Giang. Ảnh: Ngô Chuẩn
Mô hình cánh đồng lớn với mục tiêu tăng năng suất bình quân và tăng giá trị hạt gạo, canh tác lúa theo hướng thâm canh bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn và thân thiện với môi trường, tiêu thụ hết lúa hàng hóa và gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Qua đó, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao… vào nội dung các buổi họp Ban Chấp hành, chi tổ hội và sinh hoạt câu lạc bộ nông dân (CLBND) thường kỳ.
Hội Nông dân các cấp chủ động xây dựng các tổ chức đại diện nông dân trong thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và vùng nguyên liệu đáp ứng theo yêu cầu của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh cùng với ngành nông nghiệp phối hợp với các công ty triển khai kế hoạch thực hiện cánh đồng lớn xây dựng vùng nguyên liệu của công ty ngay đầu vụ những nội dung như: triển khai kế hoạch thực hiện của công ty trong từng vụ gồm diện tích, loại giống, phương thức triển khai, hợp đồng tiêu thụ. Hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác (THT), hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tổ chức nông dân trong ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ.
Đến nay, đã phối hợp vận động hơn 40 HTXNN và nhiều THT liên kết với trên 30 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân, điển hình như: Công ty CP tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty TNHH Angimex – Kitoku, Công ty TNHH lương thực Tấn Vương, công ty Cổ phần Gentraco, Chi nhánh công ty CP Lương thực Bình Định tại An Giang,... Hoặc ký hợp đồng với từng hộ dân....
Nội dung hợp đồng tuân thủ theo Hợp đồng mẫu của tỉnh, giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 50đ-100đ/kg. Đối với HTXNN, THT doanh nghiệp hỗ trợ chi phí quản lý thực hiện từ 10 - 20đ/kg trên tổng sản lượng thu mua.
Ngay từ lúc gieo trồng nông dân không còn lo sợ vấn đề tiêu thụ cũng như giá cả vì thông qua ký kết hợp đồng trước mỗi vụ nông dân đã biết được tỷ lệ lợi nhuận sau thu hoạch cũng như chủ động vấn đề giá cả khi bán cho Công ty từ đó mà nông dân chỉ cần tập trung ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng hạt lúa làm ra, giảm được chi phí. Lợi nhuận và thu nhập của nông dân tăng từ 20 – 25 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó để hợp tác gắn kết lâu dài với nông dân và khắc phục những hạn chế từ những năm trước, các Công ty không ngừng cải tiến trang thiết bị trong việc tiếp nhận thu mua sản phẩm, đảm bảo tính xác thực, tạo thêm sự yên tâm và sự hài lòng cho bà con nông dân.
Từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân phối hợp cùng Sở Nông nghiệp, Liên minh Hợp tác xã, Tập Đoàn Lộc Trời tham gia thành lập 50 HTX, tham gia góp 20% vốn điều lệ, cử nhân sự Giám đốc, Kế toán Hợp tác xã (do Tập đoàn Lộc Trời trả lương). Hỗ trợ dự án liên kết theo quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 22/7/2019 của UBND tỉnh, Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh và Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2019 của Chính Phủ.
Chân dung ông Nguyễn Văn Nhiên - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang. Ảnh: Hồng Cẩm
Các hình thức liên kết trước mắt trong năm 2020 chọn vùng liên kết đối với cây lúa từ 100ha trở lên, năm 2021 trở về sau 200ha và các dự án liên kết sẽ được hỗ trợ theo định mức theo quy định. Hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào mùa vụ dựa trên các kết quả nghiên cứu; Mang đến bộ giải pháp bảo vệ và phát triển cây trồng theo hướng hiệu quả, an toàn, bảo vệ môi trường (theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế: SRP, Global GAP, Local GAP, VietGAP).
Cùng với HTX tìm kiếm, xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tham gia HTX: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản; ưu tiên cho HTX sử dụng thương hiệu của Lộc Trời để bán sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu riêng cho HTX; Kết nối người mua giảm các khâu trung gian; Hỗ trợ xây dựng trung tâm giao dịch nông sản của địa phương.
Bên cạnh đó, xác định vai trò của THT là tổ chức đại diện nông dân không thể thiếu trong thực hiện chuỗi liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn vì thế tại các tiểu vùng tham gia thực hiện chuỗi liên kết xây dựng cánh đồng lớn, Hội Nông dân cơ sở đã chủ động thành lập các THT, đến nay có toàn tỉnh có 1.087 THT (lúa 225 tổ, rau màu 142 tổ, căy ăn trái 176 tổ, còn lại là lĩnh vực khác) với 15.925 thành viên và có 267 CLBND với 7.158 thành viên; 173 mô hình "Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp" với 2.500 thành viên tham gia; tham gia vận động thành lập 211 HTX nông nghiệp thủy sản.
Nhiều THT thành lập hoạt động tốt, quản lý chặt chẽ từ nguồn vốn góp đến khâu hoạt động sản xuất kinh doanh tương tự một hợp tác xã, giải quyết được việc làm cho các hộ nghèo và cận nghèo thông qua tổ, nhóm chăn nuôi và tiểu thủ công nghiệp; thực hiện một số dịch vụ như cung ứng vật tư, bơm tưới, tiêu thụ sản phẩm; phát triển một số ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp góp phần phục hồi một số ngành nghề truyền thống của địa phương đây là một tiền đề tốt để các tổ hợp tác dần chuyển sang hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012.
Nông dân An Giang dùng máy bay không người lái để sạ giống, bón phân, phun thuốc trên những cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Ngô Chuẩn
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả kinh tế của các mô hình cánh đồng lớn nói trên? Bên cạnh những thuận lợi, các HTX, tổ hợp tác có gặp những khó khăn, hạn chế nào trong mô hình liên kết theo chuỗi giá trị này?
- Cánh đồng lớn và sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị là mô hình tốt nhất hiện nay trong việc giải quyết vấn đề khó khăn nhất là tiêu thụ lúa gạo hàng hóa. Mô hình đạt hiệu quả cao trong việc hợp tác liên kết, tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao chuỗi giá trị lúa. Nếu thực hiện đúng theo mô hình cánh đồng lớn và sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sẽ giúp được người nông dân giảm được chi phí đầu ra nhờ giảm bớt các khâu trung gian trong việc cung ứng giống, phân thuốc bảo vệ thực vật; giảm chi phí nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật; giảm chí phí nhờ việc tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn; giảm chi phí trong khâu thu hoạch và tiêu thụ…cánh đồng lớn còn giúp doanh nghiệp có được vùng nguyên liệu ổn định với sản phẩm đúng theo nhu cầu và chất lượng được kiểm soát.
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn như: Quyết định 62/2013/QĐ-TTg; QĐ 68/2013/QĐ-TTg; các Quyết định của UBND tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn An Giang đã tạo ra điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư để phát triển mô hình Cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi cánh đồng lớn mang lại vẫn còn những khó khăn, thách thức ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện cánh đồng lớn như mức độ tham gia còn hạn chế, tập quán sản xuất đơn lẻ, thói quen bán lúa tươi tại ruộng; hướng tới lợi ích trước mắt, chưa tích cực hợp tác để có lợi ích lâu dài.
Năng lực quản lý, khả năng đàm phán của các HTX, THT còn hạn chế nên chưa mạnh dạng tham gia và vai trò làm đại diện liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân còn mờ nhạt; giữa doanh nghiệp và nông dân chưa có lòng tin vững chắc; xác định giá trị thị trường để làm cơ sở tính giá thu mua cũng là một cản trở lớn để liên kết, hai phía sẵn sàng phá vỡ hợp đồng khi giá thị trường biến động lớn. Vị trí pháp lý của THT là tổ chức đại diện nông dân đứng ra liên kết còn nhiều bất cập nên chỉ số ít THT ký liên kết được với doanh nghiệp…
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò Hội Nông dân làm cầu nối giúp nông dân Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ triển khai những giải pháp nào trong thời gian tới?
-Để thực hiện có hiệu quả mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết. Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ là tổ chức đóng vai trò nòng cốt trong đề xuất chủ trương, gắn kết doanh nghiệp với nông dân chung tay xây dựng hoàn chỉnh cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết và sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trước mắt Hội sẽ tập trung vào những việc sau:
Vận động, tập hợp nông dân tham gia các THT sản xuất cùng với tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất, liên kết sản xuất cho nông dân; hạn chế tối thiểu trường hợp manh mún, xé lẽ trong sản xuất.
Thông qua các mô hình THT sản xuất, CLBND, chi tổ hội nông dân nghề nghiệp và liên ngành với các Ngân hàng thương mại, doanh nghiệp hướng dẫn, giúp đỡ nông dân mua vật tư nông nghiệp với giá đại lý hoặc bằng tiền mặt ngay từ đầu vụ để tránh tình trạng bị áp lực vừa phải bán lúa tươi với giá rẽ ngay thu hoạch vừa phải trả vốn và lãi giá cao bên ngoài do đến hạn.
Hội Nông dân tiếp tục làm đại diện, hướng dẫn, tư vấn cho nông dân trong ký kết hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp trong thu hoạch, trao đổi sản phẩm và bảo quản. Duy trì việc phối hợp với công ty, doanh nghiệp tổ chức các buổi họp dân triển khai kế hoạch ngay từ đầu vụ với sự tham gia của lãnh đạo địa phương có như thế giúp địa phương xác định được vùng nguyên liệu tránh tình trạng "da beo" và nắm được kế hoạch triển khai của các đơn vị tham gia cánh đồng lớn trên địa bàn.
Phối hợp chính quyền vận động, hình thành các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết liền kề phù hợp với quy hoạch, có đường giao thông thủy thuận lợi hoặc đầu tư đường giao thông thủy thuận lợi phục vụ công tác vận chuyển, phơi sấy, tồn trữ.
Cùng với Nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở các vùng cánh đồng liên kết phục vụ sản xuất, vận chuyển sản phẩm.
Phối hợp các ngành liên quan thường xuyên giám sát hợp đồng ký kết giữa nông dân và công ty, doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý những vướng mắc.
Trong giai đoạn hiện nay, mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết cho thấy những hiệu quả kinh tế cao trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, liên kết thị trường và từng bước xây dựng thương hiệu gạo Việt với vùng nguyên liệu chất lượng cao và hình thành lực lượng nông dân có trình độ cao trong quá trình sản xuất lúa. Sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế mới, phù hợp trong điều kiện sản xuất hiện nay.
Để làm tốt điều này, Nhà nước - Doanh nghiệp - Nông dân cùng tổ chức đại diện của mình phải cùng nhau gắn kết, cùng nhau chia sẻ những khó khăn và thuận lợi. Đồng thời Cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ về kinh phí để Hội Nông dân các cấp có điều kiện để xây dựng các tổ chức đại diện nông dân và mô hình sản xuất liên kết tại địa phương. Có như thế mô hình mới có điều kiện phát triển rộng và bền vững hơn.
Xin cảm ơn ông!
Tin khác
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.
- Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu Nếp Phú Tân