Hiệu quả từ mô hình nuôi Ba Ba trong bể bạt
Nằm trong chuỗi các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân của huyện Tri Tôn nói chung và thị trấn Ba Chúc nói riêng.
Hội Nông dân huyện và thị trấn luôn quan tâm đến công tác triển khai và vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Một trong những mô hình đang được triển khai và thực hiện có hiệu quả đó là mô hình “Nuôi Ba Ba trong bể bạt” của hội viên, nông dân khóm Núi Nước - thị trấn Ba Chúc - huyện Tri Tôn. Ba Ba dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản; không cần nhiều diện tích, có thể tận dụng được lượng thức ăn tự nhiên; đầu ra đảm bảo, giá cả ổn định… Đây là nhận định của nhiều hộ nông dân thị trấn Ba Chúc khi thực hiện mô hình nuôi Ba Ba trong bể bạt.
Là hộ đi tiên phong trong việc phát triển mô hình chăn nuôi Ba Ba trong bể bạt tại thị trấn Ba Chúc, ông Sa Văn Hoàng cho biết, trước đây gia đình ông sinh sống ở huyện Phú Tân. Do hoàn cảnh khó khăn, ông cùng gia đình lên thị trấn Ba Chúc. Trong thời gian sinh sống tại đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, ông phải đi làm thuê, làm mướn để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Vốn có niềm đam mê với nghề nông, đặc biệt là chăn nuôi nên ở những nơi ông làm, hễ có nghe có lớp tập huấn, dạy nghề nông nghiệp là ông đều tham gia. Trong một lần đi làm tại huyện Thoại Sơn, thấy địa phương có giới thiệu mô hình nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình cũng như tận dụng được thời gian nhàn rỗi, ông quyết định xây dựng bể nuôi với diện tích 32 m2, thí điểm nuôi 1.000 con Ba Ba. Sau 1 năm ông xuất bán trên 286 kg, con lớn nhất cũng trên 1,2 kg ông thu được lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Thấy hiệu quả từ mô hình nuôi Ba Ba hiện ông Hoàng tái đàn với trên 2 ngàn con giống và chuẩn bị xuất bán cho đợt tiếp theo.
Do thấy được hiệu quả kinh tế từ việc nuôi Ba Ba của ông Sa Văn Hoàng, chị Ngô Thị Bướm (ngụ cùng khóm) đã đến tìm hiểu kỹ thuật nuôi và mạnh dạn đầu tư. Tận dụng diện tích đất bờ ao, cô Bướm xây dựng 3 bể nuôi với diện tích 32 m2/bể, thả 1.500 con Ba Ba. Sau thời gian 1 năm chăm sóc, Ba Ba của gia đình cô đang chuẩn bị xuất bể và có nhiều tín hiệu khả quan.
Theo chị Bướm, Ba Ba dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định. Theo đó, bể nuôi Ba Ba được cô làm bằng bạt, bên ngoài đóng cọc tầm vông giúp giảm chi phí. Mỗi bể có chiều cao khoảng 1m, bên trong có để 1 lớp bùn dày khoảng 10 cm, phía trên để gạt cho ba ba nghỉ ngơi cũng như điều chỉnh thức ăn hợp lý. Mỗi ngày chị Bướm cho ăn 2 lần. Thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp trong tự nhiên được băm nhuyễn hoặc có thể trộn thêm thức ăn công nghiệp. Mùa nước nổi có thể bắt ốc bươu vàng cho Ba Ba ăn nên chi phí thức ăn khá thấp. Nuôi Ba Ba tỷ lệ hao hụt cũng khá thấp, trong 1.500 con giống được thả thì chỉ hao hụt khoảng 200 con. Ba Ba hầu như ít xảy ra bệnh tật, nhưng muốn đảm bảo thành công, phải vệ sinh môi trường thật tốt, thay nước thường xuyên cũng, sử dụng thêm men tiêu hóa để phòng tránh một số bệnh đường ruột trên Ba Ba. Ngoài ra, khi nuôi được 6 tháng, cần phân loại con lớn, nhỏ và con đực, con cái nuôi riêng nhằm tránh sự tranh giành thức ăn cũng như bổ sung thức ăn cho phù hợp với sự phát triển của Ba Ba và tránh con lớn cắn con nhỏ. “Nuôi Ba Ba quan trọng nhất là phải chọn con giống chất lượng. Con giống hiện nay được mua ở một cơ sở uy tín tại địa phương với mức giá 5.000 đồng/con. Tổng chi phí cho 1 bể nuôi ước tính khoảng 10 triệu đồng” - chị Bướm chia sẻ.
Ba Ba nuôi sau thời gian 1 năm là có thể thu hoạch từ từ. Thời điểm này, trọng lượng mỗi con đạt từ 1 - 1,3 kg. Hiện nay, Ba Ba đang có đầu ra ổn định, giá được thương lái thu mua khá cao, từ 190.000 - 350.000 đồng (tùy loại) nên nông dân rất an tâm sản xuất.
Đồng chí Phan Bá Phước - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ba Chúc đánh giá, mô hình nuôi Ba Ba bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định. Mô hình cũng dễ thực hiện, tận dùng được thời gian nhàn rỗi nên giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. “Thời gian tới, địa phương sẽ tuyên truyền, vận động bà con tham gia mô hình. Từ đó tiến tới thành lập các Tổ hợp tác để giúp bà con nông dân trao đổi kinh nghiệm, kỷ thuật canh tác với nhau. Đồng thời có những chương trình, chính sách hỗ trợ bà con mở rộng sản xuất. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân” đồng chí Phan Bá Phước - chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ba Chúc chia sẻ.
Tin khác
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.
- Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu Nếp Phú Tân