Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới
Vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tập huấn truyền thông phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng nông thôn mới năm 2020, cho cán bộ các sở, ban ngành đoàn thể trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, qua kết quả triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2016-2020 được các cấp, các ngành triển khai thực hiện tập trung, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Có thể nói kết quả nổi bật sau 10 năm tỉnh An Giang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đó là: 1) Làm thay đổi nhận thức người dân; 2) Phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng (Đặc biệt là góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,35% (năm 2010), còn 5,9% (năm 2019); huy động trên 200.000 ngàn tỷ đồng xây dựng NTM, (trong đó, 72% kinh phí do người dân đóng góp); vận động người dân hiến 45 triệu m2; xây dựng hàng vạn km đường giao thông nông thôn…3) Thay đổi diện mạo khu vực nông thôn; 4) Hệ thống chính sách ngày càng hoàn thiện.
Đạt thành tích trên, có sự đóng góp không nhỏ từ công tác tuyên truyền xây dựng NTM, được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, trong đó có vai trò tổ chức Hội Nông dân trong công tác tuyên truyền vận động cán bộ-hội viên-nông dân tham gia xây dựng NTM thời gian qua, với phương châm “Mô hình cụ thể, đối tượng cụ thể, địa bàn cụ thể, nội dung tuyên truyền cụ thể” trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, Hội Nông dân không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động hội viên-nông dân tham gia xây dựng NTM, phù hợp đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tổ chức Hội. Thông qua các mô hình cụ thể: 1)Vận động hội viên-nông dân xây dựng hàng rào cây xanh trước nhà, tạo mỹ quan môi trường sống; 2) Xây dựng mô hình thùng chứa rác thải sinh hoạt địa bàn dân cư; 3) Mô hình bê tông hóa đường giao thông nông thôn; 4) Mô hình giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương; 5) Xây dựng mô hình tổ hợp tác sản xuất, giúp nông dân liên kết sản xuất và làm giàu… Qua đó, tạo chuyển biến rỏ nét bộ mặt nông thôn và trong sinh hoạt, đời sống nông dân.
Bước sang giai đoạn mới, giai đoạn 2021-2025, phát huy thành quả đạt được, công tác tuyên truyền cần phải được các địa phương, đơn vị tiếp tục quan tâm đẩy mạnh. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động các tầng lớp nhân dân hiểu biết đầy đủ mục đích, ý nghĩa công cuộc xây dựng NTM. Phát huy công tác phối hợp trong tuyên truyền, mở rộng phạm vi tuyên truyền. Cập nhật, phổ biến tuyên truyền các mô hình hay để nhân rộng; đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng các danh hiệu đã được công nhận theo tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu.
Vì vậy, Hội cần tiếp tục phát huy vai trò, chức năng trong công tác tuyên truyền, tiếp tục tham gia phối hợp ban ngành, chính quyền địa phương trong vận động cán bộ-hội viên-nông dân tích cực cùng tham gia xây dựng NTM, theo tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn theo đúng định hướng tỉnh trong giai đoạn tới./.
Tin khác
- Câu chuyện người nông dân
- Hội nghị triển khai kế hoạch tuyên truyền nông thôn mới nâng cao năm 2021
- Đồng bào đạo Phật giáo Hòa Hảo tham gia công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
- Triển khai kế hoạch chuẩn bị Liên hoan văn nghệ nông dân tỉnh An Giang lần IV/2019
- Lê Chánh- Tân Châu: Gương điển hình “ Nông dân giỏi ” góp sức xây dựng nông thôn mới