Phát triển nông nghiệp bền vững: Tạo gắn kết lợi ích 3 bên
Muốn phát triển nông nghiệp bền vững phải tìm cách gắn bó lợi ích giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân…
Đó là định hướng được lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) cùng các doanh nghiệp (DN) đưa ra sau chuyến khảo sát nông nghiệp dài ngày ở các tỉnh vùng Tây Bắc vừa qua.
Cơ hội tốt để đầu tư
Chia sẻ với phóng viên NTNN về kế hoạch đầu tư của mình sau chuyến khảo sát nông nghiệp dài ngày ở các tỉnh vùng Tây Bắc, ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng Giám đốc Tập đoàn phát triển nông nghiệp Vạn Thịnh Phát cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là phát triển nông nghiệp bền vững gắn với lợi ích của DN với chính quyền và bà con nông dân”.
Cụ thể, ông Dũng cho biết, Tập đoàn sẽ hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật canh tác, vật tư nông nghiệp, bao tiêu ổn định đầu ra, đồng thời nghiên cứu đầu tư vào các khâu trọng yếu mà bà con cần và những điểm đang gặp khó khăn.
Nói thêm về kết quả sau chuyến công tác của mình ở Tây Bắc, ông Dũng cho rằng, ông thực sự cảm kích khi được Chủ tịch T.Ư Hội
NDVN tạo điều kiện đưa đi thăm quan, khảo sát tình hình phát triển nông nghiệp tại các tỉnh vùng Tây Bắc.
Đồng chí Thào Xuân Sùng cùng các cán bộ trong đoàn công tác khảo sát vùng trồng lê ở Bát Xát (Lào Cai)
“Qua chuyến đi này, chúng tôi đã thấy được bức tranh toàn cảnh về những khó khăn cũng như tiềm năng phát triển nông nghiệp ở vùng này. Nó sẽ tạo tiền đề để chúng tôi nghiên cứu và lên kế hoạch cụ thể cho các dự án đầu tư tại các tỉnh vùng Tây Bắc trong tương lai"- ông Dũng nói.
Ông Dũng nhận định, nhiều địa bàn ở Tây Bắc điều kiện thổ nhưỡng tốt, nguồn nước sạch, biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, bà con vùng cao vẫn thường canh tác một vụ nên chất lượng về nông sản ở vùng này được đánh giá là xuất sắc so với các vùng khác. Hơn nữa, ở đây, bà con có thói quen không sử dụng nhiều phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật. Đó là nền tảng để phát triển nông nghiệp sạch, an toàn…
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng, việc sản xuất của bà con nơi đây còn manh mún cũng là một nhược điểm khiến ở đây không có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao mà chủ yếu là sản phẩm xuất bán ở dạng thô, phụ thuộc nhiều vào thương lái…
Theo ông Dũng, dù thực tế còn nhiều khó khăn nhưng các tỉnh vùng Tây Bắc lại là điều kiện tốt để tập đoàn của ông nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm phát triển nông nghiệp bền vững đem lại hiệu quả kinh tế cao và thay đổi cuộc sống cho bà con. "Tuy nhiên, để làm được điều này phải có hỗ trợ của T.Ư Hội NDVN, sự đồng hành, gắn kết từ DN, chính quyền địa phương và bà con nông dân"- ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, trong chuyến đi này, đoàn công tác đã thấy được cuộc sống khó khăn thiếu thốn của bà con đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Bắc. Vì thế, trong thời gian tới Tập đoàn sẽ phối hợp T.Ư Hội NDVN xây dựng các chương trình từ thiện cụ thể giúp đỡ bà con về cơ sở vật chất, y tế, giáo dục và tổ chức dạy nghề.
Tiến tới nông nghiệp thông minh
Chia sẻ với lãnh đạo 3 tỉnh Tây Bắc gồm Sơn La, Yên Bái, Lào Cai trong chuyến công tác, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, trưởng đoàn công tác cho rằng: Bước vào giai đoạn mới, nền nông nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, biến đổi khí hậu, cùng với đó là các hàng rào kỹ thuật đến từ các nước phát triển.
Lãnh đạo T.Ư Hội ND cho biết, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục xác định việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp để góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng, hướng đến mục tiêu “xây dựng nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh.
“Trước nhu cầu đó, T.Ư Hội NDVN đã tổ chức đoàn công tác đi khảo sát nông nghiệp các tỉnh Tây Bắc, nơi có điều kiện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhất cả nước để giúp các DN có cái nhìn tổng thể về tiềm năng, lợi thế ở đây. Qua đó các DN sẽ đưa ra kế hoạch đầu tư cho phù hợp giúp thay đổi diện mạo nông thôn, giúp nông dân có việc làm, có thu nhập cao hơn"- đồng chí Thào Xuân Sùng khẳng định.
Theo đồng chí Thào Xuân Sùng, sau chuyến đi này đến khoảng cuối tháng 3.2019, T.Ư Hội NDVN sẽ tổ chức một hội nghị lớn và có mời đầy đủ các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành khác nhau cùng lãnh đạo các địa phương, DN để bàn cụ thể về chương trình đầu tư vào Tây Bắc, trong đó sẽ đặc biệt ưu tiên bàn về hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại vùng này.
Tin khác
- Triển khai khảo sát hiện trạng an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất lúa gạo tại An Giang
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.