Nông nghiệp – Nông thôn

Trồng Dưa lưới trong nhà màng đem lại thu nhập ổn định

13/10/2022 11:01

Thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân, ngày 13 tháng 3 năm 2019 “về chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2019 - 2020”.

Theo đó Hội nông dân xã Bình Thạnh Đông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm, đó là mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng của Anh Nguyễn Văn Bằng sinh năm 1985 ngụ ấp Bình Quới 2 xã Bình Thạnh Đông huyện Phú Tân tỉnh An Giang.

Bắt đầu xây dựng nhà màng và trồng dưa lưới vào năm 2019 cũng là vụ thứ 12 trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao (tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel). Với diện tích 2.000 m2 nhà màng, trồng trên 5.000 gốc dưa lưới, giống chọn trồng là giống TL3, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và phun sương. Kết quả năng suất đạt kết quả cao, trung bình trái đạt từ 1,3 – 1,4 kg/trái, sản lượng từ 3 tấn – 3,5 tấn/1.000 m2/vụ, cho lợi nhuận khá cao so với các loại cây trồng khác.


 
Anh Bằng đang chăm sóc dưa lưới

Theo Anh Nguyễn Văn Bằng việc chuyển đổi trồng dưa lưới trong nhà màng phải nắm vững kỹ thuật canh tác, do hệ thống tưới hiện đại cao nên việc tính toán đầu tư phải chi tiết, bài bản, Anh Bằng cho biết thêm “Tôi sẵn sàng liên kết với các hộ dân trồng dưa lưới, theo đó người nông dân phải thực hiện theo quy trình sản xuất, đồng thời chính quyền cần đồng hành trong định hướng phát triển, quảng bá sản phẩm”. Được biết Anh Bằng là thành viên HTX công nghệ cao DH thuộc huyện An Phú – An Giang và được HTX này bao tiêu sản phẩm, nên việc đầu ra của trái dưa lưới rất ổn định.

Theo Ông Huỳnh Công Tạo Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Đông cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có 03 hộ trồng dưa lưới trong nhà màng với diện tích 4.000 m2, về phía Hội nông dân xã đã xây dựng kế hoạch và đã thành lập Tổ hợp tác trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới để sản phẩm dưa lưới trên địa bàn xã từng bước nâng tầm giá trị sản phẩm, xã đã chỉ đạo UBND xã phối hợp cùng Hội nông dân xã hỗ trợ Tổ hợp tác trồng dưa lưới đăng ký sản phẩm Ocop, nhằm để cho nông dân tự chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và vận động ngày càng nhiều nông dân tham gia sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, từng bước đưa sản phẩm dưa lưới trở thành sản phẩm Ocop và là sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Thanh Bình (BTĐ – PT)