“Vua lò sấy” miền Tây và hành trình làm ra thứ gạo sữa đặc biệt, ai cũng muốn ăn
Khoảng một năm nay trên thị trường gạo và tại các hội chợ xúc tiến đầu tư xuất hiện một thứ gạo có màu trắng đục như sữa, được khách hàng ưa chuộng. Ít ai biết "cha đẻ" của giống gạo sữa đặc biệt đó, là ông "Vua lò sấy" miền Tây Dương Xuân Quả đến từ tỉnh An Giang.
Gạo sữa Dương Xuân Quả được tạo ra từ giống lúa OM 4900. Khi sấy gạo OM 4900 ở độ ẩm thấp (dưới 12%), hạt gạo xay ra có màu đục như sữa (gọi là gạo sữa), khi nấu tỏa mùi thơm nhẹ, cơm dẻo, thơm, hạt cơm săn chắc, hương vị đậm đà hơn.
Gạo sữa Dương Xuân Quả
Tỷ phú nông dân Dương Xuân Quả (tên thường gọi là Năm Nhã)- Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch (phường Bình Đức, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) - "cha đẻ" giống gạo sữa này cho biết: "Gạo sữa Dương Xuân Quả ra đời từ giống lúa OM 4900. Khi áp dụng công nghệ sấy ở độ ẩm thấp (dưới 12%) sẽ tạo ra hạt gạo có màu trắng đục như sữa, khi nấu tỏa mùi thơm, cơm dẻo, thơm, hạt cơm săn chắc, hương vị đậm đà hơn.
Đặc biệt, dù để nguội sau 24 giờ vẫn dẻo cơm, không bị ôi thiu. Chính từ đó, tôi đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu Gạo sữa Dương Xuân Quả".
Ông Năm Nhã chia sẻ: "Nghề chính của tôi là nông dân chế tạo lò sấy. Sau khi đi tham quan học hỏi nhiều nơi, tôi nghiên cứu và nhận thấy giống lúa OM 4900 có cách nay hơn 10 năm, được trồng 3 vụ và cho năng suất rất cao 8-10 tấn/ha. Từ đó tôi thử nghiệm sấy giống lúa OM 4900 cùng một vài giống lúa khác và nhận thấy lúa OM 4900 cho tính năng ưu việt nhất. Tôi sấy đạt tới 97% gạo nguyên mà lại chuyển màu đục như nếp nên mới đặt tên là gạo sữa".
Khi mới bắt tay vào làm gạo sữa, ông Năm Nhã chỉ mua lúa của nông dân trồng bình thường, rồi sấy và bán gạo thành phẩm. Sau 45 tấn gạo được thị trường đón nhận với giá từ 25.000 - 26.000 đồng/kg, ông suy nghĩ phải nâng tầm giá trị hạt gạo sữa này để phát triển bền vững và khuyến khích nông dân trồng lúa theo quy trình kỹ thuật an toàn.
Năm 2019, ông Quả bắt tay vào sản xuất giống lúa OM 4900 theo quy trình sạch hướng hữu cơ, tức là không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc trừ cỏ, với tổng diện tích trồng lúa OM 4900 là 48ha, trong đó có 8ha đất ruộng của gia đình ông Quả tại ấp Phú Đông, xã Phú Xuân. Ngoài ra ông còn hợp đồng với nông dân trồng thêm 40ha lúa hữu cơ nữa.
Để đảm bảo kỹ thuật canh tác hữu cơ, ông Năm Nhã đã nhờ Viện Khoa học công nghệ sinh học miền Nam tư vấn dùng vôi vân Địa Long để bón cho lúa; kết hợp phun bổ sung dinh dưỡng bằng việc kết hợp tưới hỗn hợp trứng và sữa tươi cho lúa hữu cơ vào thời điểm 10 ngày và 45 ngày sau khi gieo cấy. Trong quá trình trồng lúa hữu cơ, ông dùng nước ém cỏ cho chết (không dùng thuốc diệt cỏ).
Với kiểu trồng lúa mới đó, thật bất ngờ, lúa hữu cơ của ông Quả vẫn đạt năng suất cao, trong khi giá thành sản xuất giảm từ 25-30%. Quan trọng hơn là tạo ra loại gạo an toàn cho người tiêu dùng.
Kết quả sau 3 tháng thử nghiệm cho thấy, dù ruộng lúa không sử dụng phân hóa học, thuốc thuốc trừ sâu hóa học song năng suất vẫn đạt 8 tấn/ha. Lúa cắt về đưa vào lò sấy 2 ngày đêm cho ra hạt gạo đục như nếp, khô dưới 10% độ ẩm. Gạo sữa hữu cơ thành phẩm có giá bán từ 25.000 - 28.000 đồng/kg.
Cuối tháng 8/2020, trong đợt thẩm định, phân hạng sản phẩm OCOP, sản phẩm Gạo sữa hữu cơ Dương Xuân Quả đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đánh giá đạt 3 sao. Hiện ông Năm Nhã đã tiến hành đăng ký thành công bảo hộ sáng chế độc quyền Gạo sữa Dương Xuân Quả.
Quyết làm gạo sạch bán đi Tây
Hiện nay sản phẩm Gạo sữa Dương Xuân Quả đã có mặt ở thị trường trong cả nước, đặc biệt tiêu thụ tốt tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sau gần 20 năm theo nghề sáng chế lò sấy lúa, ông Năm Nhã đã bán sản phẩm ra 58 tỉnh, thành trong nước và xuất đi Lào, Camphuchia, Myanma trên 5.000 chiếc lò sấy lúa.
Ông Năm Nhã tâm sự, vì cuộc sống gia đình khó khăn nên ông chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học mưu sinh. Sinh ra và lớn lên ở vùng chuyên canh nếp Phú Tân nhưng khi khởi nghiệp ông Năm Nhã không chọn theo nghiệp trồng nếp, mà đam mê nghiên cứu lò sấy với mong muốn nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch.
Trước khi sáng chế thành công lò sấy, ông Năm Nhã đã từng khăn gói lên TP.Hồ Chí Minh làm thợ hàn cho một công ty Đài Loan. Thời gian này, ông đã học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là kỹ thuật hàn, thiết kế cửa sắt, cầu thang, điện nước.
Sau khi rành nghề và nắm bắt được những kiến thức cơ bản về động nhiệt học, ông liền quay về tiếp tục làm thợ hàn. Sự nghiệp của ông bắt đầu chuyển hướng đi lên từ năm 2002.
Giai đoạn năm 2003-2004, khi bắt tay vào nghiên cứu lò sấy, người nông dân chân đất này gặp rất nhiều khó khăn, từng nếm trải vài lần thất bại. Đến năm 2007, ông thành lập Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã. Sau khi chuyển trụ sở về phường Bình Đức (TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang), đến năm 2018, Năm Nhã quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả.
Công ty của ông chuyên sản xuất, lắp ráp lò sấy nông sản, trong đó có lò sấy lúa cải tiến không trở mẻ công suất từ 2-80 tấn và các sản phẩm máy móc nông nghiệp khác.
Ông Năm Nhã chia sẻ: "Gạo sữa Dương Xuân Quả được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đây là điều kiện tốt để công ty đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thị trường cho gạo sữa hữu cơ. Tôi quyết tâm xây dựng gạo sữa Dương Xuân Quả thành đặc sản của tỉnh An Giang"
Tin khác
- Triển khai khảo sát hiện trạng an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất lúa gạo tại An Giang
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.