Cần coi chuyển đổi số là nhiệm vụ, đam mê
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu lãnh đạo các đơn vị nhận thức tường minh về chuyển đổi số, coi đó là đam mê, tránh trở thành áp lực để làm sao đúng, trúng và có hiệu quả.
Chiều 10/10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, nghe báo cáo kết quả 9 tháng đầu năm của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Bộ NN-PTNT. Tham dự có Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Báo cáo tại Hội nghị, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số cho biết, năm 2023, các đơn vị thuộc Bộ triển khai nhiệm vụ Chuyển đổi số theo Kế hoạch số 5275/QĐ0BNN-VP của Bộ và các nhiệm vụ Ban chỉ đạo giao tại các phiên họp, tổng số có 51 nhiệm vụ. Kết quả đến nay đã hoàn thành hoặc đã và đang thực hiện là 43 nhiệm vụ.
Các lĩnh vực chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp của Bộ gồm các nội dung chính: Nhận thức số, Thể chế số, Dữ liệu số, Nền tảng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Chính phủ số, Kinh tế nông nghiệp số, Hạ tầng số.
Theo đánh giá độc lập của Bộ Thông tin - Truyền thông năm 2022, xếp hạng chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT xếp thứ 15/17 Bộ, ngành.
Nhận thức số gồm Truyền thông chính sách được triển khai sâu rộng trên Cổng thông tin của Bộ, Báo Nông nghiệp Việt Nam. Từ Quý III trở đi, các đơn vị sẽ phải quan tâm hơn tới góc độ chuyển biến về nhận thức số để đạt được các nhiệm vụ đề ra.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm phân công các đơn vị triển khai đó là xây dựng dữ liệu số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đã triển khai 16/20 nội dung. Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết đã triển khai phát triển dữ liệu vùng sản xuất chăn nuôi tập trung, dữ liệu thức ăn chăn nuôi, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số định danh cơ sở chăn nuôi trực tuyến. Đã có 400 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước đăng ký tài khoản và cập nhật dữ liệu.
Đã cập nhật được một phần lịch sử cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi trong thời gian 10 năm (từ năm 2012 đến nay) lên hệ thống, đang tiếp tục bóc tách, cập nhật hoàn thiện lên hệ thống trong thời gian tới.
Lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản, triển khai phát triển dữ liệu vùng nguyên liệu tập trung, nguồn cung thủy sản gắn với chỉ dẫn địa lý thuộc lĩnh vực thủy sản, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số trực tuyến, đang nghiên cứu triển khai, sẽ có báo cáo Ban chỉ đạo về kết quả cụ thể vào cuối năm.
Chủ trì triển khai phát triển cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp và hoàn thiện báo cáo đề xuất Dự án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Lâm nghiệp. Đang thực hiện và tập trung vào hệ thống FORMIS phục vụ chỉ đạo điều hành, tiến tới tích hợp với cơ sở dữ liệu ngành.
Chủ trì triển khai phát triển nền tảng cơ sở dữ liệu lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến gắn với kết nối cung cầu, truy xuất nguồn gốc phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu; Tổ chức nghiên cứu xây dựng các modules cần thiết hỗ trợ Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.
Chủ trì triển khai phát triển và hoàn thiện dữ liệu lớn (big data) về sinh vật gây hại cây trồng. Phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý dữ liệu sinh vật gây hại (SVGH) cây trồng ở 63 tỉnh trên toàn quốc của Cục BVTV do Phòng Bảo vệ thực vật quản trị giúp việc thông kê chính xác và đầy đủ về tình hình dự tính, dự báo phát sinh SVGH để chủ động chỉ đạo phòng, chống trên toàn quốc; tham mưu cho Bộ chỉ đạo khi có dịch hại nguy hiểm có khả năng bùng phát, gây hại trên diện rộng.
Tiếp tục cập nhật dữ liệu và duy trì hoạt động của Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS) phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai. Chủ trì nghiên cứu triển khai xây dựng Bản đồ trực tuyến hỗ trợ quản lý điều hành hạn hán xâm nhập mặn; Xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài sản, kết cấu công trình thuỷ lợi.
Trong năm 2023-2024, Cục Thủy lợi tiến hành xây dựng bản đồ trực tuyến hỗ trợ quản lý điều hành hạn hán xâm nhập mặn; xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài sản, kết cấu công trình thủy lợi; cơ sở dữ liệu hỗ trợ vận hành hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ công tác tưới tiêu, cấp nước sản xuất; cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số, kết nối và chia sẻ dữ liệu về hoạt động quy hoạch, nguồn nước giữa các cấp, Bộ, ngành, địa phương, phục vụ quản lý hiệu quả nguồn nước, qua đó khai thác tối đa lợi ích của nguồn nước, hạn chế tối đa thiệt hại gây ra.
Cần nhận thức tường minh về chuyển đổi số
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị báo cáo những nội dung mà mình đang làm, đề xuất các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc ở khâu, điểm nào… bởi mục tiêu cuối cùng là đạt được kết quả, nhiệm vụ được giao; phải xây dựng kiến trúc dữ liệu chuẩn.
“Các đơn vị triển khai nhiệm vụ khá chậm và chưa có kết quả cuối cùng. Cái yếu hiện nay là thể chế, nhân lực và các hoạt động chuyển đổi số. Có những đơn vị kiến trúc dữ liệu rất khó làm, nhưng có những đơn vị không có gì khó khăn cả”.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, nêu những khó khăn trong việc xây dựng kiến trúc dữ liệu do đơn vị này có quá nhiều thông tin về ngành nghề, làng nghề…; không có nhân sự quản trị dữ liệu; sự yếu kém, không đồng bộ về hạ tầng máy móc, đường truyền…
Cục Lâm nghiệp đề xuất đưa nhiệm vụ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào kế hoạch trung hạn để mua sắm trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số. Cục Thủy lợi kiến nghị tăng cường công tác an toàn thông tin khi các dữ liệu được số hóa, nhất là những thông tin có vai trò liên quan tới an toàn, an ninh quốc gia.
Hiện Cục Thủy lợi đã xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống hồ chứa thuỷ lợi; hệ thống truyền dẫn dự báo dòng chảy, dự báo về tình trạng lũ lụt, hạn hán… tự động tổng hợp thành các báo cáo tự động; xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình thủy lợi, kế hoạch duy tu, bảo trì như thế nào. Hiện nay, Cục Thủy lợi đang phối hợp thực hiện một số dự án quốc tế như đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống sông Mã, sẽ lấy đây là ví dụ để từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu cho các hệ thống lưu vực sông…
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, công tác chuyển đổi số đã làm được một số việc nhưng cũng còn có nhiều việc chưa được triển khai. “Xếp hạng chuyển đổi số của Bộ đứng thứ 15/17 Bộ, ngành; bộ chỉ số này đưa ra không phải để ganh đua, thành tích mà nó là tiêu chí đánh giá để biết mình đang ở đâu, mình còn yếu cái gì… điều đó mới quan trọng. Đề nghị các đơn vị trong Bộ đã được giao nhiệm vụ phải triển khai thực hiện, cái gì mình còn thiếu thì phải làm. Hiện có 2 nội dung được đánh giá đứng thứ 6-7 (chỉ số Nhận thức số, Hạ tầng số). Những nội dung chúng ta yếu hiện đang làm, cuối năm nay sẽ có kết quả. Xây dựng hệ thống kiến trúc dữ liệu giống như xây nhà phải có bản vẽ. Các đơn vị phải trực tiếp xây dựng nền tảng kiến trúc dữ liệu của đơn vị mình, cuối năm 2023 phải hoàn thành”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cần có nhận thức tường minh về khái niệm, nhiệm vụ của chuyển đổi số để làm sao đúng, trúng và có hiệu quả.
“Chuyển đổi số là tư duy chứ không phải số hóa dữ liệu (vật lý), mục tiêu cuối cùng là khai thác các con số, dữ liệu đó như thế nào để phục vụ tốt công tác quản lý. Cần coi chuyển đổi số là nhiệm vụ, đam mê, đừng nghĩ nó là áp lực cho mình, cần biết mục đích, mục tiêu của nó sẽ giải quyết bài toán gì trong nhiệm vụ quản lý của mình. Khi chúng ta biết mục tiêu rồi, chúng ta sẽ giản lược được dữ liệu lại, sẽ thấy chặng đường chúng ta sẽ đi như thế nào, đi tới đâu chứ không thể nhận thức lơ mơ. Chúng ta chia nhỏ lộ trình ra sẽ có kế hoạch cụ thể để từ đó có bước đi rõ ràng, nếu không sẽ thấy nó rất mênh mông”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu.
Tin khác
- Hội thi tuyên truyền viên về chính sách BHXH, BHYT.
- Hội thi “Tuyên truyền nông thôn mới và đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao”
- Truyền thông chính sách BHXH, BHYT
- Tấm gương nông dân giỏi luôn tâm huyết với công tác xã hội từ thiện.
- Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
- Phú Tân triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu “Cài đặt kích hoạt và sử dụng nền tảng số Việt Nam”.